Nếu so sánh với hệ thống khí nén thì chắc chắn, hệ thống thủy lực phức tạp hơn với nhiều thiết bị, linh kiện được phân chia thành 2 phần: Phần thủy lực và phần tín hiệu điều khiển.
Phần thủy lực
Phần thủy lực của hệ thống thủy lực sẽ phân chia thành 3 phần khác nhau đó là: Khối nguồn thủy lực, cơ cấu chấp hành, khối điều khiển dòng thủy lực.
Khối nguồn thủy lực
Tiếng anh gọi là power supply section. Nó chính là 1 bộ phận thực hiện việc biến đổi năng lượng, từ điện sang cơ sang thủy lực và ngược lại. Khối nguồn này sẽ gồm các thiết bị như:
+ Bơm thủy lực: Nó có thể là bơm piston áp cao, bơm bánh răng và bơm cánh gạt áp thấp. Bơm sẽ là trung tâm để có thể hút, đẩy dầu đi trong hệ thống đến các thiết bị khác 1 cách xuyên suốt.
+ Động cơ điện: Nhiệm vụ là chuyển hóa điện năng thành cơ năng và cung cấp chuyển động quay cho bơm. Động cơ điện được dùng nhiều nhất là loại 2 chiều.
+ Bể chứa dầu hay còn gọi là thùng chứa, bồn chứa: Nó không chỉ chứa dầu mà còn dùng để tản nhiệt dầu. Chính vì thế mà kích thước của thùng dầu sẽ bị chi phối bởi lưu lượng dầu và nhu cầu tản nhiệt.
+ Van an toàn: Đảm bảo áp suất dầu trong hệ thống luôn luôn nằm trong khoảng giá trị định mức được cài sẵn.
+ Cơ cấu chỉ thị áp suất, cơ cấu chỉ thị lưu lượng và 1 số thiết bị khác…
Điều khiển dòng thủy lực
Tiếng anh gọi là power control section. Như chúng ta đã biết, trong 1 hệ thống thủy lực hoàn chỉnh, dòng năng lượng dầu sẽ được truyền dẫn từ bơm đến cơ cấu chấp hành sao cho luôn luôn đảm bảo được các giá trị theo yêu cầu công việc xác định: Tốc độ quay, lực, momen, vận tốc. Bên cạnh đó, dòng năng lượng còn phải đảm bảo tuân theo những điều kiện làm việc của hệ thống.
Và vì vậy mà các van được chọn lựa, lắp đặt trên đường ống dẫn sẽ tham gia với vai trò là điều khiển dòng dầu thủy lực có năng lượng.
Chúng ta có thể liệt kê một số van thủy lực thông dụng như: Van một chiều thủy lực, van tiết lưu, van áp suất, van đảo chiều dầu điện từ…
+ Van 1 chiều: Cho phép dòng dầu đi theo 1 hướng duy nhất, ngăn chặn dầu chảy ngược có thể làm hư hại bơm.
+ Van tiết lưu: Điều chỉnh lượng dầu qua van.
Cơ cấu chấp hành
Tiếng anh là drive section. Nó bao gồm các xi lanh thủy lực 1 chiều, xi lanh dầu 2 chiều, động cơ thủy lực (hay còn gọi là motor).
Phần tín hiệu điều khiển
Tín hiệu điều khiển là thành phần thứ 2 góp phần hình thành hệ thống thủy lực hoàn chỉnh. Nhiều khách hàng thường sẽ không chú trọng đến phần này nhưng trên thực tế nó quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành.
Trong tín hiệu điều khiển, người ta phân chia thành 2 phần, đó là:
+ Phần tử đưa tín hiệu: Hay còn gọi là signal input. Nó có thể là tác động của người vận hành trực tiếp thông qua các thiết bị như: Bàn phím, nút ấn, công tắc… Nó có thể là các cảm biến từ hóa, cảm biến không tiếp xúc, cảm biến cảm ứng từ hoặc nó là thiết bị cơ khí quen thuộc như công tắc hành trình.
+ Phần tác động để xử lý tín hiệu: Hay còn gọi là signal processing. Đó là người kỹ thuật vận hành máy, điện tử, điện, cơ khí, thủy lực…